Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2012

Hãy nhớ mình là ai và sống khiêm nhường

Chủ nhật 23/12/2012 17:38

Đó là lời khuyên mà huấn luyện viên Guillaume Graechen, giám đốc kỹ thuật của Học viện Bóng đá HAGL-Arsenal-JMG, hay nhắc nhở học trò mình và cũng là lời khuyên ông gửi đến các cầu thủ Việt sau khi nhiều đội bóng giải tán khiến nhiều cầu thủ phải đi bán bánh cuốn, bán rau... vì thất nghiệp.

Hãy nhớ mình là ai và sống khiêm nhường

Ông Guillaume Graechen - Ảnh: N.K.

Tôi đã ở VN hơn năm năm, lấy vợ Việt và chúng tôi cũng đã có con. Năm năm qua tôi nhìn thấy một số tiến bộ nhất định ở một quốc gia có nền bóng đá đang phát triển như VN. Một số CLB chuyên nghiệp có cơ sở vật chất rất tốt, là điều kiện lý tưởng cho các cầu thủ phát triển về chuyên môn. V-League tuy còn nhiều trận tẻ nhạt nhưng vẫn có không ít trận đấu rất hấp dẫn.

Các cậu học trò bé tí ngày nào còn mới được tôi tuyển lựa giờ đã chững chạc như chàng thiếu niên, biết để ý đến mình, thích xịt keo, xài nước hoa và thậm chí một số còn có... bạn gái. Chúng tôi gần như luôn phải “canh chừng” những thay đổi trong tính cách của các cậu bé để uốn nắn kịp thời và giữ cho các em luôn giản dị, khiêm nhường.

Bây giờ thì chưa thể giảng giải gì về đời cầu thủ chuyên nghiệp, về thu nhập ngất ngưởng của cầu thủ chuyên nghiệp thành danh... nhưng ít nhất là trong hoàn cảnh điều kiện sinh hoạt của học viên học viện đã cao hơn bạn bè đồng trang lứa tại Gia Lai. Chúng tôi phải luôn nhắc nhở các em hãy làm sao như chính con người các em từ trước khi vào học viện, sống đơn giản và khiêm nhường.

Các nền bóng đá chuyên nghiệp có nhiều giải đấu, nhiều CLB, các hoạt động liên quan đến bóng đá rất đa dạng... nên sau khi kết thúc đời cầu thủ chuyên nghiệp, các cầu thủ nước ngoài có nhiều lựa chọn để tiếp tục cuộc đời có liên quan đến bóng đá của mình, còn cầu thủ VN thường không biết làm gì sau khi giải nghệ. Ngoài kỹ năng bóng đá, họ ít có điều kiện để tìm kiếm việc làm nhằm có cuộc sống ổn định, lập gia đình, nuôi dạy con cái.

Các cầu thủ ở những quốc gia phát triển ý thức được điều này. Phần lớn họ vẫn được gia đình hỗ trợ chuyện ăn học trong suốt thời gian còn trẻ và chơi bóng phong trào ở trường. Như vậy họ vẫn đảm bảo được việc quan trọng nhất là học một nghề cho tương lai nếu không trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp. Những cầu thủ thật sự có tài năng sẽ được các CLB tuyển mộ và đào tạo bài bản để trở thành cầu thủ chuyên nghiệp kiếm bộn tiền sau này. Những cầu thủ này cũng ý thức được nghề cầu thủ chuyên nghiệp rất ngắn và ngoài khả năng bị thất nghiệp, một rủi ro luôn theo đuổi họ chính là chấn thương... nên họ rất nỗ lực học tập, dành dụm để phòng thân.

Tôi có nghe một số cầu thủ có tiếng của VN cũng bắt đầu để ý đến chuyện ổn định cuộc sống của mình, chuẩn bị cho tương lai bằng việc mở quán cà phê, nhà hàng, tiệm game, có người thì mở sân bóng đá nhân tạo... nhưng không phải ai cũng làm được điều này. Phần lớn cầu thủ Việt đều học theo nhau lối sống rất tệ: khi có tiền cứ ăn tiêu bạt mạng, mua sắm vô tội vạ, chẳng trách sao đến khi không may thất nghiệp chẳng còn gì trong tay.

Tất nhiên ai cũng có quyền sử dụng nguồn tiền của mình kiếm được vì dù gì họ cũng xứng đáng được bù đắp cho bao nhiêu năm trời lăn lộn trên sân cỏ. Tuy nhiên, bản thân tôi luôn đề ra những nguyên tắc mà tôi học được từ những năm tháng theo nghề này: Hãy luôn nhớ mình là ai, sống đơn giản, khiêm nhường. Hãy học cách quản lý nguồn tài chính một cách hiệu quả vì đời cầu thủ chuyên nghiệp vô cùng ngắn ngủi. Hãy lập gia đình, xây nhà, giúp đỡ người thân trong gia đình, để dành tiền lo cho sự nghiệp học hành của con cái một cách bền vững.

Theo Tuổi Trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét