Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

Nghe câu vọng cổ giữa Sài thành

Phía đối diện tòa chung cư ấy có một quán nước mở ven đường. Từ trong quán, tiếng đàn sến đang lên dây nghe văng vẳng như mời gọi. Nắng tắt dần, bữa tiệc giao lưu với những bản đờn ca tài tử của CLB Đờn ca tài tử phường Phú Thạnh, Q.Tân Phú, TPHCM cũng bắt đầu.

Sân khấu ven đường

Khoảng 6h chiều, tiệc vui bắt đầu. MC là chú “Hề Nhăn nhó”, người ta quen gọi như vậy và cũng không buồn hỏi tên anh. Hề Nhăn nhó mặt lúc nào cũng nhăn nhó thật, nhưng khi đụng đến micro thì duyên dáng vô cùng. “Kính thưa các anh các chị! Cải lương đã đi vào nghiệp tổ, kiếp cầm ca vẫn đeo đẳng người nghệ sĩ với bao kỉ niệm vui buồn. Làm thân tằm phải chịu nhả tơ, làm nghệ sĩ dẫu lắm gian truân nhưng vẫn sống trọn với kiếp cầm ca mới mong trả hết nợ này….”

Hề Nhăn nhó mở lời cho bài hát Kiếp cầm ca để mở đầu chương trình giao lưu của CLB vào chủ nhật hàng tuần.

Hề nhăn cùng và vợ trong một bài vọng cổ

Một nữ “nghệ sĩ” tuổi trạc 50 bước lên “sân khấu”, cất những tiếng hát thiết tha như muốn kể về phận người nghệ sĩ. Đó là Thanh Chiến, một thành viên câu lạc bộ. Người hát vẫn say sưa buông lời ca tiếng nhạc, người nghe cũng trầm tư theo những giai điệu u buồn: “Khi biết em mang kiếp cầm ca, đêm đêm phòng trà dâng tiếng hát cho mọi người...bỏ tiền mua vui… hỏi rằng anh ơi, còn yêu em nữa không….”

CLB chỉ có 9 thành viên chính thức nhưng có đến gần 30 người đăng kí hát. Người này hát xong thì người khác lại lên “sân khấu” thế chổ. Nói sân khấu cho sang chứ thực ra bữa tiệc đàn hát này diễn ra ngay tại quán nước của nghệ sĩ Bảo Thanh, chủ nhiệm CLB. Ngày thường thì bán nước, tối chủ nhật thì biến thành “sân khấu” để mọi người cùng giao lưu ca hát. Những chiếc bàn nhựa được kê sát nhau từ trong nhà ra đến sát mé đường nhựa. Ở phía đối diện, công nhân từ tòa chung cư đang xây kéo nhau ra vệ đường chăm chú nhìn sang.

Bảo Thanh da diết với Cô hàng xóm

Những âm điệu da diết của bài Qua cơn mê do nghệ sĩ Trúc Ly vừa dứt thì đến tiết mục của Nghệ sĩ Bảo Sang. Anh vào vai Thái Salem song ca cùng Mỵ Nương trong trích đoạn “Lệnh truy nã”. Đôi mắt nghiêng buồn, gương mặt pha màu sương gió, rắn rỏi nhưng hiền hòa, Bảo Sang nhẹ nhàng lên câu vọng cổ hơi dài ngọt xớt. Còn Mỵ Nương cũng day dứt với tâm sự của một cô gái khi biết người yêu mình là tên tướng cướp.

Hai người họ được xem là đôi tài tử giỏi nhất trong CLB. Bảo Sang là nghệ sĩ theo đoàn Trần Hữu Trang, nay là Sen Hồng. Còn Mỵ Nương đã không ít lần đoạt giải trong các cuộc thi đờn ca tài tử của phường, quận.

Nghệ sĩ Bảo Sang song ca bài Qua cơn mê

Nghệ sĩ Bảo Sang và Mỵ Nương với một trích đoạn trong tuồng Lệnh truy nã

Tuy là câu lạc bộ nhưng nhạc cụ thì toàn hàng “ngon” đều do anh em trong hội mang đến. Nhạc sĩ Thái Sơn cầm cây ghitar điện đôi mới toanh, còn Thanh Sơn thủ cây đờn sến. Cả hai người chỉ đàn, để cho vợ con mình đứng hát.

Nhạc sĩ Thái Sơn năm nay đã 61 tuổi, ông và Thanh Sơn đều là đệ tử thành danh của danh đờn Văn Giỏi. “Làm một li cho nóng máu đờn nó mới ngọt ”, nhạc sĩ Thanh Sơn tay đặt li rượu xuống chiếc bàn nhỏ tay chụp lấy cây đàn sến bấm thử mấy “đường”.

Vì có bạn là nghệ sĩ Diệp Quân đến “dợt” chuẩn bị cho vòng chung kết tiếng hát hay Đài PTTH TPHCM nên anh phải đích thân lên giữ nhịp. Diệp Quân hát xong, Thanh Sơn và mấy người phía dưới đều vỗ tay bình phẩm: “Bữa nay coi vậy là ngon rồi đó nghen!”.

Nhạc sĩ Thanh Sơn (áo hồng) và Thái Sơn đang say sưa gảy đàn

Những người “vọng cổ”

Tiệc đàn đêm nay có thêm người khách lạ. Một ông lão tóc bạc phơ, mặc áo sơ mi trắng, đi chân không bước lững thững vào trong. Nghệ sĩ Bảo Thanh bảo chủ nhật nào ông cũng đến, nhà ở xóm trên nhưng không ai biết tên ông. Ông xin hát bài Tình nghệ sĩ, và cũng chỉ một bài thôi ông lại bước ra về. “Ông đi về đâu với chiếc đàn long phím… rồi biết nơi nào là bến đỗ cho ông…”.

Những lời ca nức nở cất lên khiến mọi người đang chăm chú theo ông lão cũng chùn lòng đôi chút. Lúc ông ra về, mọi người hỏi nhau: cuộc đời ông và người nghệ sĩ già hát rong trong bài hát vừa rồi có khác là bao? 

Ông đi về đâu với chiếc đàn long phím...

Bữa tiệc nhỏ nhưng niềm vui hôm nay lớn, tấm lòng của những người đến đây đều vì yêu mến vốn văn hóa của dân tộc – những bản đờn ca tài tử. Sự hiện diện của hai vợ chồng Huỳnh Văn Khanh cũng rất đỗi bình thường nhưng đã làm cho tiệc vui đêm nay thêm phần ấm cúng. Mỗi tối chủ nhật hai người lại vượt hơn 40 cây số đến cùng CLB rồi chồng đàn, vợ hát.

Anh tâm sự: “Có hôm mải mê đàn hát đến hơn 11h khuya rồi ở lại tới 2, 3h sáng mới về. Vì về nhà có đoạn sợ gặp cướp nên đành ở lại chờ trời sáng”. Còn Hoàng Bé là người miền Trung nhưng cũng mê vọng cổ “sát ván”. Ngồi phía dưới chờ tới lượt mà anh cứ nhấp nhổm không yên: “Còn mấy người nữa mới tới tui vậy cô MC, tôi ngứa cổ họng nãy giờ rồi nghen”.

Đến CLB Đờn ca tài tử phường Phú Thạnh, lắng nghe câu vọng cổ mượt mà giữa Sài Gòn phồn hoa đã lạ, gặp những thanh niên say sưa hát vọng cổ càng thấy yêu mến vọng cổ hơn. Chàng thanh niên Long Thịnh năm nay mới 25, làm công việc trong ngân hàng nhưng hàng tuần đều đến CLB đăng kí một bài. Anh hát say sưa những bài tân cổ: Tần Quỳnh khóc bạn, Trống loạn Thăng Long thành, Xử án Bàng quý phi… Tuy chưa thật xuất sắc nhưng ai cũng vỗ tay hoan hô cái lòng của một chàng trai trẻ với cái thứ “đặc sản” này. “Vô máu rồi, cải lương mà vô máu như là vô nước biển vậy!”, Long Thịnh dí dỏm giải thích vì sao mình yêu vọng cổ.

Đêm về khuya, mọi người lại một phen ngỡ ngàng khi một cô bé chừng… 5,6 tuổi cầm micrô bước lên. Em hát một lớp Sương Chiều bài Về quê nội, rồi lấy hơi ca tiếp một bài Vọng Kim Lang. Ai cũng trố mắt nhìn lên, và cùng vỗ tay thán phục một em bé “thần đồng vọng cổ”.

Nhạc sĩ Thái Sơn bước ra ngượng ngùng giới thiệu đây là bé Trúc Mai, con mình, nếu còn thiếu sót xin mọi người chỉ thêm chứ đừng trách tội thất lễ. Trước giờ một đứa bé 5 tuổi ca nhạc thì có nhiều, nhưng ca vọng cổ thì thật là hiếm có.

Tình vương ý nhạc

Tiệc đàn về khuya, vài người ở Q8, Bình Chánh, Hóc Môn… lục tục chuẩn bị về trước. Chị Ngọc Điệp ở Bình Chánh đứng dậy: “Sáng giờ đi đám giỗ mệt quá anh Thanh ơi, vợ chồng tui ghé chơi chút rồi về nghỉ trước”. “Tuần tới nhớ ghé nghen”, tiếng của nghệ sĩ Bảo Thanh, chủ nhiệm CLB nói với theo. Tối chủ nhật nào nghệ sĩ Bảo Thanh cũng hớn hở đón tiếp từng người tới chơi dù quen hay lạ, rồi lại lần lượt tiễn từng người ra về không quên hẹn gặp vào chủ nhật tới.

Nghệ sĩ Bảo Thanh tên thật là Nguyễn Văn Đây, đi hát từ những năm 80 của thế kỉ trước. Từ năm 1983 bắt đầu tham gia các đoàn Trúc Giang, Sông Bé 3… rong ruổi khắp mọi miền đất nước. Trong hai năm 2008 và 2009 nghệ sĩ Bảo Thanh là nghệ sĩ biểu diễn chính thức của Công ty TNHH Sao Mai Hùng Minh chuyên về tổ chức sự kiện và biểu diễn.

Năm 2004, Bảo Thanh cùng gia đình đến sinh sống ở P.Tân Thạnh, Q.Tân Phú, CLB Đờn ca tài tử của phường cũng được lập ra trong thời gian này. Sau 27 năm ca hát, hiện giờ vẫn đi hát cho các tụ điểm văn hóa, đám tiệc, đình chùa…

Ngồi chờ đến lượt mình biểu diễn

Làm một ly vô nó mới ngọt!

Nghệ sĩ Bảo Thanh cũng là người khép lại buổi giao lưu hôm ấy với bài vọng cổ "Sầu vương ý nhạc" nổi tiếng của cố soạn giả Viễn Châu. Anh hát nghe rất buồn, nhưng hoàn cảnh của cha con ông lão nghệ sĩ bán vé số trong bài hát không “ứng” hoàn toàn với anh. Vì với hai bàn tay trắng, anh đã tạo dựng được một tổ ấm chắc chắn ở một góc của Sài Gòn cùng vợ và hai con đã trưởng thành.

Sau mỗi tối chủ nhật và những buổi đi hát, anh ở nhà phụ giúp vợ con trông quán nước nhỏ ven đường. Những người trẻ yêu thích vọng cổ đến nhà nhờ anh chỉ bảo đến nay đã hơn con số 30 người, anh chỉ dạy miễn phí.

Thỉnh thoảng, anh cùng các thành viên trong CLB xuất hành đến CLB ở các tỉnh miền tây theo lời mời giao lưu. Mỗi lần đi như thế, mọi người trong CLB đều góp tiền túi lại với nhau mà vẫn rất vui vẻ. Bởi mong ước của những con người “phong lưu tài tử” ấy không phải là tiền tài hay danh vọng, mà mong vọng cổ sẽ sống mãi trong lòng mỗi người Việt Nam, dù giữa thôn quê hay phố thị, sẽ không bị lãng quên!

Theo NCĐT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét